Sáng 20/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo trung tướng Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Bộ Công an), việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ rất phức tạp nhưng các quy định điều chỉnh về lĩnh vực này lại không có hiệu lực pháp lý cao. Một số văn bản đã quy định việc trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ song chưa đề cập cụ thể các trường hợp được phép nổ súng. Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh chống tội phạm thời gian qua cho thấy tình hình rất phức tạp, nhiều kẻ gây án liều lĩnh, manh động. Đặc biệt, ngày càng gia tăng các trường hợp phạm tội về ma túy khi bị phát hiện đã dùng vũ khí tấn công lực lượng thi hành công vụ... "Trước tình hình đó, việc ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ góp phần tích cực giữ gìn trật tự, an toàn xã hội", tướng Ngọ cho hay. Pháp lệnh quy định 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ gồm: các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ); cấm chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán nhập khẩu, xuất khẩu trái phép; cấm đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền... Những hướng dẫn về việc nổ súng cũng được quy định chi tiết trong Pháp lệnh. "Đây là quy định đặc biệt quan trọng", Thứ trưởng Ngọ nhấn mạnh. Cụ thể, Điều 22 của Pháp lệnh nêu rõ việc nổ súng phải tuân theo nguyên tắc: "Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh cáo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hay có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì được nổ súng ngay...". Tuy nhiên, không được phép nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em; trừ trường hợp này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác... Theo Pháp lệnh, có 7 trường hợp người sử dụng vũ khí được phép nổ súng. Đó là khi có người đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; tấn công, đe dọa sự an toàn của mục tiêu quan trọng được bảo vệ; cướp súng của người thi hành công vụ; đánh tháo người bị giam... Người được trang bị vũ khí còn được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện (trừ xe của cơ quan đại diện cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế...) khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển; trên xe có tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia... Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Anh Thư |