Phiên tòa bắt đầu từ ngày 11/7 và kéo dài trong nhiều ngày. VKSND Hà Nội cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong ngành ngân hàng, gây thất thoát lượng tiền lớn của nhà nước. Trong 11 trường hợp bị truy tố có 7 người từng công tác trong ngành ngân hàng, gồm 2 phó giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) chi nhánh Đông Đô, hai phó phòng giao dịch của Ngân hàng Ngoại thương (VCB) chi nhánh Thành Công, cùng phó phòng dịch vụ khách hàng của BIDV Đông Đô... Theo cơ quan công tố, trong thời gian làm việc tại BIDV, Trần Lệ Thủy đã câu kết với người thân trong gia đình, bạn bè và một số đồng nghiệp... sửa chữa xác nhận khống số dư trên chứng nhận tiền gửi tiết kiệm của VCB và BIDV rồi đem thế chấp chiếm đoạt tiền của các nhà băng lấy tiền chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản và tiêu xài cá nhân. Cụ thể, năm 2003-2008 khi làm việc tại Quỹ tiết kiệm số 1 BIDV Thái Bình cũng như làm giao dịch viên tại BIDV Đông Đô, bà Thủy bàn với em gái Trần Thị Huyền và Trần Chí Dân làm thủ tục gửi tiền ở VCB Thái Bình. Sau đó, họ dùng tiền USD gửi tiết kiệm, mỗi lần gửi làm hai giao dịch khác nhau. Một sổ có giá trị vài chục nghìn USD, sổ kia có seri liền kề nhưng số dư chỉ có giá trị thấp. Huyền mang giấy chứng nhận tiền gửi với số tiền lớn đem thế chấp tại BIDV Thái Bình. Sổ này sau đó được giao cho Thủy cất giữ. Còn lại sổ tiết kiệm với số dư thấp, Huyền và Thủy đưa cho Dân sửa chữa, làm giả số tiền trùng với số dư của sổ có giá trị lớn đang thế chấp. Chứng nhận tiết kiệm giả này sau đó được Thủy tráo với sổ thật. Phi vụ hoàn tất, Thủy lập thông báo về việc trả lại giấy tờ có giá cầm cố vay vốn ngân hàng đưa cho Huyền đem đến VCB Thái Bình để rút tiền. Theo nhà chức trách, với thủ đoạn trên, từ năm 2003 đến tháng 4/2008, Thủy Huyền, Dân đã thực hiện sửa chữa, làm giả, tráo đổi nhiều giấy chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn, chiếm đoạt của BIDV Thái Bình hơn 29 tỷ đồng. Khi chuyển sang làm ở BIDV Đông Đô, Thủy tiếp tục dùng thủ đoạn, lợi dụng chức vụ của mình cùng với sự giúp sức đắc lực của Nguyễn Minh Hằng và Nguyễn Thị Thu (cùng nguyên Phó trưởng phòng giao dịch 1 của VCB Thành Công); Vũ Khắc Thành và Phạm Thị Hồng Thái (cùng là nguyên Phó giám đốc BIDV Đông Đô); Hoàng Trung Thông (nguyên Phó Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng BIDV Đông Đô)... đã chiếm đoạt hơn 174 tỷ đồng. Trong suốt quá trình xét hỏi tại tòa, Thủy đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nhưng phủ nhận việc phạm tội tham ô tài sản như cáo buộc. Xác định bị cáo Thủy có vai trò chủ mưu đã rủ rê, lôi kéo đồng thời trực tiếp cùng các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, VKS đã đề nghị mức án tử hình bà Thủy về tội Tham ô tài sản, chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp mức hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, sau nhiều ngày nghỉ nghị án, chiều 20/7, HĐXX đã nhận định việc truy tố các bị cáo Thủy, Dân, Huyền về tội danh tham ô tài sản là không đủ cơ sở. HĐXX lý giải, với số tiền hơn 29 tỷ đồng chiếm đoạt của ngân hàng BIDV Thái Bình, thời điểm đó bị cáo Thủy không còn công tác ở ngân hàng này nữa (tội tham ô liên quan đến đối tượng quản lý tài sản tại đơn vị mình công tác). "Với việc giả mạo giấy tờ có giá để vay và chiếm đoạt tiền ngân hàng trong trường hợp này cần chuyển sang tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình phạt của loại tội danh này có mức án cao nhất là tù chung thân", HĐXX phân tích. Từ những lý lẽ đó, HĐXX đã tuyên phạt Trần Lệ Thủy tù chung thân, Trần Chí Dân mức án chung thân, Trần Thị Huyền 20 năm tù. Bị cáo Vũ Khắc Thành (nguyên phó giám đốc ngân hàng BIDV Đông Đô) trước đó bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Sau khi xem xét. HĐXX đã chuyển tội danh sang Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Với tội danh này, bị cáo Thành bị phạt 3 năm tù. Bị cáo Phạm Thị Hồng Thái (nguyên Phó giám đốc ngân hàng BIDV Đông Đô) bị phạt 3 năm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo còn lại từ 24 tháng tù treo đến 18 năm tù. Nam Anh |