Với những yêu cầu tương đối cao về ngoại hình như: Phải cao từ 1,68 - 1,82m, có ngoại hình dễ nhìn, tươi tắn, cân đối; có sức khỏe tốt, không khuyết tật; trình độ tiếng Anh giao tiếp lưu loát (TOEIC từ 255 điểm, TOEFL từ 350 điểm hoặc IELTS từ 3.5 điểm trở lên); v..v… thì những tiếp viên nam phục vụ trên máy bay cũng thường là những gương mặt khôi ngô tuấn tú, cao ráo, cuốn hút người đối diện không kém phái nữ là bao. Vì thế, đã có những chuyện “thâm cung bí sử” mà chỉ có những người trong nghề mới biết về các nam tiếp viên hàng không! Một nam tiếp viên hàng không sinh năm 1984, chuyên bay các tuyến nội địa bật mí: “Đối với một tiếp viên hàng không là nam, “cạm bẫy” về mặt tinh thần, tình cảm ít hơn tiếp viên nữ nhưng không phải không có. Họ cũng nhận được những “lời mời”, gợi ý từ các đại gia là nam giới hẳn hoi”. Anh này còn tiết lộ thêm: “Nếu phục vụ ở các khoang thương gia, có nhiều đại gia, khách VIP (phần đông là khách nam) thì khả năng “bị” gợi ý, mời mọc là cao hơn các khoang khác. Họ thường bắt chuyện trong quá trình tiếp viên nam phục vụ, xin số điện thoại hoặc để lại card visit cho tiện liên hệ sau khi hạ cánh”. Theo đánh giá của tiếp viên này, thông thường các tiếp viên hàng không không phải những người thiếu thốn về mặt vật chất đến nỗi phải “gật đầu” cặp kè với các đại gia để có người bao toàn bộ tiền tiêu xài. Vì thế, anh cho rằng tỷ lệ những tiếp viên nam “gật đầu đồng ý” với lời mời của các đại gia không phải là nhiều. “Tuy nhiên nếu có thì cũng là điều bình thường. Có thể có những lý do khác nhau khiến họ quyết định như vậy. Làm tiếp viên là thiếu thốn tình cảm, ít bạn bè vì đi lại triền miên”, anh nói. Mọc mụn, phải trang điểm mới dám bay! Hình thức là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định đến nghề tiếp viên hàng không. Vì thế, nếu gặp “vấn đề” về “mặt tiền” thì không chỉ có tiếp viên nữ đau đầu mà ngay cả tiếp viên nam cũng khốn khổ không kém. Một nam tiếp viên hàng không chia sẻ: “Thông thường đã trúng tuyển là có ngoại hình ổn, mặt mũi sáng sủa nên chẳng ai phải “trang điểm” làm gì. Tuy nhiên có những thời điểm vì lịch sinh họat đảo lộn tùm lum nên bị mụn tấn công, rồi thời tiết thay đổi xoành xoạch khiến da bị dị ứng. Trong trường hợp đó không thể nghỉ bay, vì nghỉ bay vì bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng đến kết quả bình chọn, đánh giá “cánh én vàng” vào dịp cuối năm. Vậy là cả các tiếp viên nam cũng kem kem phấn phấn, che mụn che mắt thâm, thậm chí phải dùng cả sản phẩm dưỡng môi khi đến những nơi quá khô nóng”. Đây là những điều mà theo nam tiếp viên này là không bao giờ hình dung được trước khi vào nghề! Đặc quyền duy nhất: Sinh con lúc nào cũng được Nam tiếp viên hàng không luôn ở trong thế “lép vế” so với nữ tiếp viên hàng không (về mọi mặt) nhưng họ cũng có một “đặc quyền”, đó là không phải ký cam kết “không được sinh con trong 3 năm đầu kể từ khi ký hợp đồng với hãng”! Đối với nữ tiếp viên hàng không, kể từ thời điểm trúng tuyển, đến khi được huấn luyện rồi ký hợp đồng làm việc, họ phải cam kết không được sinh con trong 3 năm đầu! Nguyên nhân được một nữ tiếp viên giải thích rằng chi phí để đào tạo một tiếp viên hàng không là rất lớn, mất nhiều thời gian, công sức. Bởi vậy, bên hãng hàng không không cho phép sinh con trong 3 năm đầu tiên để tránh những “thất thoát”. “Nếu bị lỡ và nghỉ việc để sinh con trong thời gian này thì tiếp viên nữ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo. Bởi thế, không ai bảo ai, tất cả đều phải cố gắng “giữ mình”. Có chị 28 tuổi mới vào làm tiếp viên nhưng phải “nhịn” đến năm 31 tuổi mới được sinh con. Gia đình phải cảm thông lắm mới chấp nhận và tạo điều kiện để giúp đỡ”, một nữ tiếp viên hàng không tiết lộ. Ngược lại, với quy định ngặt nghèo này, các nam tiếp viên có thể lập gia đình, 'sinh con' tùy ý. Người trong nghề thường trêu nhau rằng có lẽ đây là “đặc quyền” duy nhất của phái mạnh khi làm việc trong lĩnh vực này! Tuy nhiên, nghịch lý lại nằm ở chỗ hầu hết các tiếp viên nam đều lập gia đình rất muộn! N.Anh
|