Cách đây gần 30 năm, tại sân vận động giáp ranh giữa xã Nghi Ân và Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, có đoàn chiếu phim lưu động về phục vụ bà con tác phẩm “Đến hẹn lại lên” trong sự nô nức chào đón của làng trên, xóm dưới. Trong dịp về phép thăm gia đình, quân nhân Nguyễn Sỹ Hùng cũng háo hức đi xem. Trong buổi chiếu ngày 4/3/1982, mọi người đang chăm chú theo dõi thì một cô gái kêu toán lên khi phát hiện áo của mình bị tàn thuốc của ai đó làm thủng... Hai nhóm thanh niên xã Nghi Ân và xã Nghi Phong "đổ tội" cho nhau, lao vào ẩu đả. Hùng (nhóm xã Nghi Ân) đã đâm dao làm chết anh Hoàng Văn Lam. Một năm sau, Hùng bị TAND Tối cao tuyên phạt tù chung thân về tội giết người. Thi hành án tại trại giam số 3, Hùng nỗ lực cải tạo nên sau 4 năm đã được giảm án xuống 20 năm tù. Năm 1991, Hùng được hai người bạn tù rủ vượt ngục. Ban đầu, Hùng không tham gia mà còn khuyên bạn tù ở lại cải tạo để sớm được trả tự do. "Họ thuyết phục tôi rằng 20 năm nữa mới ra được tù, khi đó đã thành ông già rồi cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì. Vậy nên tôi đã làm theo họ", Hùng khai ngày 21/7 tại phiên xét xử về hành vi trốn trại giam của ông ta. Và thời điểm đó, nhân cơ hội đang điều trị tại khu y tế của trại giam, Hùng và 2 bạn này đã trốn khỏi trại giam. Bị quản giáo và bảo vệ truy đuổi, họ chia làm 3 hướng bỏ chạy. Hùng băng theo bìa rừng chạy sang huyện Anh Sơn, xuống huyện Đô Lương rồi đến thành phố Vinh. Sau khi xin được một ít tiền, Hùng bắt xe vào Tây Nguyên. Tại vùng đất mới, kẻ vượt ngục lấy tên giả là Nguyễn Hữu Vinh. Đi làm thuê, Hùng tích cóp được tiền rồi mua đất, lập trang trại trồng cà phê. Để thay hình đổi dạng, trốn lệnh truy nã, Hùng tự nhổ hai chiếc răng vẩu, để tóc dài xõa nhằm che đi khuôn mặt quen thuộc của mình… Hùng nhanh chóng hòa nhập cuộc sống ở Tây Nguyên rồi lấy vợ và sinh con và còn được bầu làm xóm trưởng. Gần 20 năm chạy trốn, tưởng mọi việc đều đã rơi vào lãng quên, Hùng về thăm quê ở xã Nghi Ân. Từ manh mối này, cảnh sát phát hiện ra tung tích phạm nhân trốn trại. Cuối năm 2010, một tổ công tác của công an tỉnh Nghệ An vào Tây Nguyên. Theo dõi ngôi nhà khang trang của xóm trưởng Nguyễn Hữu Vinh, trinh sát xác định chủ nhà chính là tù trốn trại Nguyễn Sỹ Hùng. Đóng vai là thương gia buôn bán cà phê, trinh sát làm quen với vợ của ông xóm trưởng. Bà này mới khách ở lại ăn cơm, chờ chồng về bàn chuyện làm ăn... Trong lúc gặp mặt, một thương lái đã vỗ vai Vinh nói: “Nguyễn Sỹ Hùng, anh vẫn khỏe chứ?”. Ông xóm trưởng tái mặt, vội bỏ chạy nhưng đã bị giữ lại. Suốt đường dẫn giải từ Tây Nguyên về Nghệ An, Hùng luôn tìm cách tự tử bằng việc đập đầu vào thành xe chở phạm. “Bị bắt rồi, bị cáo chỉ muốn chết đi cho xong vì quá thương vợ, thương các con nhỏ dại. Nếu ngày đó bị cáo không bỏ trốn thì bây giờ đã có thể đàng hoàng ra tù, sống cuộc sống của một người lương thiện”, Hùng hối hận trình bày với HĐXX. Với thái độ được đánh giá là thành khẩn, ăn năn hối lỗi cũng như quá trình làm xóm trưởng có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, ngày 21/7 Hùng được HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt 10 tháng tù về tội vượt ngục, đồng thời buộc chấp hành nốt 18 năm tù giam của bản án giết người cách đây 20 năm. Nguyên Khoa |